thanhnien.vn – 28 học viên là người mù ở TP.HCM hoàn thành khoá đào tạo ấn huyệt Shiatsu (Nhật Bản) trong 6 buổi do bà Ngọc Ánh hướng dẫn miễn phí. Không chỉ được nâng cao tay nghề, học viên còn thay đổi quan niệm làm việc.

Sáng 9.3, học viên đến trụ sở Hội người mù TP.HCM (185 Cống Quỳnh, Q.1) thực hiện bài kiểm tra lấy chứng chỉ sau 6 buổi học (18 giờ) kỹ thuật ấn huyệt Shiatsu. Đây là phương pháp bấm huyệt trị liệu có nguồn gốc từ Nhật Bản. Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Chủ tịch Hiệp hội Shiatsu Việt Nam – người Việt đầu tiên sang Nhật học tập phương pháp này, mang về nước ứng dụng từ năm 2012.

Bài thi diễn ra trong 60 phút, học viên thực hiện đủ các động tác, kỹ thuật đã học để giáo viên quan sát, đánh giá. Kết thúc bài thi, 28 học viên đều đủ điều kiện cấp chứng chỉ.

“Đây là lần đầu tiên tôi tổ chức khóa học tập trung miễn phí cho người mù. Mục đích là để giúp họ biết thêm một phương pháp massage mới, nâng cao tay nghề để phục vụ quý khách tốt hơn, từ đó có thu nhập ổn định hơn”, bà Ngọc Ánh nói.

Bà Ngọc Ánh hướng dẫn học viên kỹ thuật Shiatsu.

Theo bà Ngọc Ánh, hiện nay vẫn có người còn quan niệm cho rằng massage là không lành mạnh. Tuy nhiên, đây là một phương pháp trị liệu khoa học. Người mù khi học sẽ gặp nhiều khó khăn hơn người bình thường nhưng bù lại, họ tập trung, đặt hết tâm sức vào đôi tay khi làm việc. Vì thế, nếu giỏi kỹ thuật chắc chắn họ sẽ làm người sử dụng dịch vụ hài lòng.

“Giá trung bình của một gói massage cơ bản do người bình thường thực hiện khoảng 350.000 đồng trong khi gói của người mù chỉ có giá 120.000 đồng. Nâng cao tay nghề thì người mù có thể nhận được khoản thù lao lớn hơn. Hãy để khách sử dụng dịch vụ vì bạn làm tốt, không phải ủng hộ bằng sự thương hại”, bà Ngọc Ánh chia sẻ.

Ông Nguyễn Đình Kiên, Chủ tịch Hội người mù TP.HCM chia sẻ tại buổi trao chứng chỉ: “Nâng cấp tay nghề giúp mọi người có cơ hội kiếm thêm thu nhập, nâng cao cuộc sống“.

Anh Tâm Thương (46 tuổi, ở Q.Tân Bình) cùng vợ có mặt tại lớp học từ sáng sớm. Anh Thương hiện đang làm tại cơ sở massage ở Hội người mù TP.HCM (Q.1). Vợ anh cũng có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, hiện đang làm tại nhà, chủ yếu phục khách quen.

“Biết đến khóa học, vợ chồng tôi đăng ký ngay với tinh thần học nữa, học mãi. Học xong, tôi biết thêm nhiều kiến thức về các đường kinh, huyệt đạo, cách đặt ngón tay khi ấn vào huyệt sao cho đúng… Có huyệt thì ấn ngón tay theo góc 90 độ nhưng có khi phải nghiêng ngón tay lại ấn xuống thì lực mới vào sâu đến huyệt”, anh cho biết.

Anh Nguyễn Quang Tám (52 tuổi, ở Q.Tân Bình) hiện chủ cơ sở massage Nhuận Tâm trên đường Lê Văn Sỹ (Q.Phú Nhuận) nhưng vẫn hăng hái đi học. Anh chia sẻ được các huấn luyện viên “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn tận tình và biết thêm kiến thức mới về phương pháp massage Shiatsu.

“Tôi thấy phương pháp này rất hay, chắc chắn sau khóa học tôi sẽ tìm hiểu học thêm để nâng cao tay nghề”, anh Tám nói.

Học viên thực hiện bài kiểm tra, huấn luyện viên theo sát chấm điểm.

Qua quá trình tìm hiểu, bà Ngọc Ánh biết được cả nước hiện nay có khoảng 72.000 người mù. Trong đó, nhiều người đang hành nghề massage và hiện có 266 cơ sở massage người mù. Sau 18 giờ trực tiếp đứng lớp với sự hỗ trợ của gần 10 huấn luyện viên khác, bà Ánh nhận thấy hầu hết học viên chưa có nhiều hiểu biết về các huyệt đạo để trị liệu chuyên sâu các vấn đề khách đang gặp phải.

Vì thế, sau khóa đầu tiên này, bà sẽ tổ chức thêm mỗi tháng 1 khóa cho đến hết năm. Bà Ánh mong muốn tìm thêm những học viên có thể đồng hành cùng bà đi khắp Việt Nam hướng dẫn cho người đồng cảnh.

Mỗi khóa đào tạo có chi phí khoảng 150 triệu đồng, gồm: tiền hỗ trợ học viên đi lại, trả công cho huấn luyện viên… Hiện tại, bà Ánh bỏ tiền túi để duy trì. Xác định đây là công việc thiện nguyện lâu dài, bà Ánh mong nhận được thêm sự chung tay của các nhà hảo tâm.

Phan Diệp

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *