22TH10

1238040_1423163494576822_72482357_nNgọc Anh đã được nhiều người biết đến với dịch vụ massage điều trị, chăm sóc da … uy tín, chất lượng tại TP.HCM. Dưới sự “chèo lái” và tâm huyết của chị Trương Thị Ngọc Ánh – Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đào tạo & Phát triển Spa Việt Nam, đã đưa Ngọc Anh Spa phát triển bền vững và được đánh giá cao trong lĩnh vực này. Đồng thời, chị đã góp phần chuyển biến một nghề được coi là “nhạy cảm” trở thành một ngành phục vụ, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng và xa hơn nữa là vươn tới một ngành “công nghiệp không khói”..

NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG GIAN KHÓ

Tôi sinh ra và lớn lên trên vùng quê nghèo nhất nhì của Việt Nam. Gia đình tôi là một gia đình nông dân nên việc cho con học đến nơi đến chốn là một điều không thể, bởi vì nơi đó xa thị xã. Muốn học cao hơn nữa phải ra thị xã và phải ở trọ để đi học. Thời đó người ta lại thường nói cho con gái học cao để làm gì? Gia đình tôi là một gia đình gia giáo nên việc cho con gái đi xa nhà lại càng khó khăn hơn. Những năm ấy sau chiến tranh, gia đình tôi quá đông anh chị em, tổng cộng trong nhà đến chín người nên việc cha mẹ tôi đi làm lo cho từng ấy người vất vả lắm cũng không đủ ăn. Mẹ tôi nghĩ ra cách nấu cơm độn chuối, độn khoai để đủ no cho cả nhà. Tôi thì đi chài, đi lưới, xúc cá, cắt lúa, cắt cỏ, làm những việc gì có thể đỡ đần cho mẹ tôi.

Năm tôi 17 tuổi, tôi xin cha mẹ lên Sài Gòn giúp việc nhà cho chị tôi và học may cùng chị, nhưng thật lòng tôi không thích nghề may. Mỗi lần khách đến lấy đồ mà chị may chưa xong chị hẹn lại ngày mai. Cứ thế hết lần này đến lần khác, chị lại hẹn. Nhiều khách không hài lòng cách làm việc của chị nên la mắng nặng lời, thấy vậy nên tôi không thích nghề này, tôi lại học nghề thêu. Nghề thêu là một nghề nghệ thuật rất cần mẫn và tỉ mỉ. Tôi học và đi dạy thêu cũng được vài năm nhưng vẫn không đủ sống. Tôi xin vô làm công nhân viên nhà nước. Đầu tiên là giúp việc cho cửa hàng bán thức ăn, của hàng mở cửa cả sáng, trưa, chiều, tối nên tôi được xếp cho ở lại nơi làm việc. Công việc của tôi là bưng thức ăn ra cho khách.

Làm một thời gian, sếp thấy tôi làm việc cần mẫn nên cân nhắc cho về văn phòng làm văn thư. Tôi làm văn thư không được bao lâu thì sếp khác đổi về, rồi sếp mới đưa cháu sếp vào thay vị trí của tôi. Thế là tôi được chuyển trở về vị trí cũ, bưng thức ăn cho khách. Với tôi, thời đó như vậy là nhục vì đã được cân nhắc lên rồi bị đì xuống. Thấy mất mặt, tôi xin chuyển công tác. Tôi xin vào công ty xuất nhập khẩu của huyện vì có anh tôi đang làm ở đó. Tôi được nhận vào làm thủ quỹ của trạm đặt trụ sở tại TP.HCM. Sau một thời gian, tôi thấy làm thủ quỹ quá nguy hiểm vì tiền nhận về thì nhận bằng bao, két sắt nhỏ nên các bao tiền luôn được nhét vào sàn giường. Có một cô kế toán làm cùng tôi nhưng suốt ngày đua đòi quần này áo nọ. Một hôm tôi bị mất tiền quỹ, số tiền không lớn nhưng tôi rất sợ bị ở tù nên tôi xin chuyển công tác về công ty.

Về công ty, tôi lại làm văn thư và đi công tác với sếp để chi tiền cho những khoản sếp tiếp khách. Vì tôi có thể nấu ăn nên vợ sếp thỉnh thoảng nhờ tôi xuống nhà sếp nấu ăn mỗi khi gia đình sếp có tiệc. Chuyện thường tình, hễ được sếp thương, ưu ái thì hay bị nhiều người xung quanh ghét. Họ không thân thiện với tôi và luôn tìm cách hãm hại tôi. Một hôm, trưởng phòng tổ chức giao cho tôi đánh máy một tập công văn. Tôi nhớ trong đó rất nhiều trang, tôi làm việc cả ngày lẫn đêm, không thấy sếp trưởng phòng nói gì cả. Thức ba đêm để đánh xong công văn thì sếp trưởng phòng nói tôi làm sai rồi, yêu cầu tôi đánh máy lại toàn bộ. Quá ức lòng, tôi xin nghỉ việc. Trong cuộc họp, sếp trưởng phòng kế hoạch đứng ra bênh vực tôi vì sếp cũng ở lại khu tập thể tại dãy phòng gần phòng tôi nên sếp biết tôi thức đêm để đánh máy công văn đó. Sếp trưởng phòng kế hoạch nói với sếp trưởng phòng tổ chức: “Sao ông không kiểm tra công văn nó đánh máy ra mỗi ngày để có sửa lại thì cũng sửa ít thôi, tội nghiệp con nhỏ thức ba đêm rồi để làm việc, còn ông thì đêm về nhà ngủ nên có biết gì?”.

Cho dù các sếp có giữ tôi lại thì tôi cũng muốn ra đi vì làm việc cho công ty nhà nước có nhiều phe cánh và áp lực ghê lắm, tôi không có gốc để dựa. Đi làm cũng dành dụm được một ít tiền, tôi trở lên Sài Gòn chờ để tìm xin việc mới. Nằm chờ việc ba tháng ở nhà bạn, tiền dành dụm không còn, vàng trang sức đeo theo người tôi cũng bán hết. Tôi ra chợ Bà Chiểu bán quần áo cũ của mình để góp vào tiền chợ. Gia đình bạn tôi cũng rất nghèo nên không thể làm sao hơn được. Tôi xin đi thêu trở lại. Mỗi ngày tôi phải đi bộ từ chợ Cây Thị đến đường Hoàng Văn Thụ, ngang công viên Chiến Thắng, rồi chiều tối đi bộ về. Một chị cùng thêu chung nói với mẹ chị ấy cho tôi ở nhờ được mấy hôm để thêu hàng xong, gia đình chị ấy cũng khó khăn, cơm không đủ ăn mà còn phải gánh thêm một miệng ăn nữa là tôi. Khi tôi xin vào làm ở công ty may mặc gần nhà bạn tôi, vào may người ta may một tuần lãnh lương mấy chục ngàn, còn tôi thì lãnh được mười mấy ngàn vì tôi may không giỏi.

Làm ở công ty may được vài tháng, một lần sếp gặp và phỏng vấn hỏi tôi trước kia làm nghề gì. Tôi trình bày những việc tôi đã từng làm qua. Sếp hỏi tôi có khả năng làm quản lý nhà hàng được không và có chịu đi làm xa nhà không. Tôi nói sẽ cố gắng và tôi đồng ý đi làm xa nhà. Đối với tôi lúc ấy, có một chỗ làm và một chỗ ở thực sự đó là niềm mơ ước của tôi. Tôi được điều xuống Vũng Tàu làm quản lý một nhà hàng, một năm sau thì được rút về làm văn phòng ở quận Bình Thạnh.

Một thời gian sau, để dành được ít tiền, tôi lại muốn học uốn tóc. Tôi xin nghỉ việc ở văn phòng, đi học uốn tóc. Khi học xong, tôi ra làm thợ phụ với hành trang là một chiếc xe đạp. Làm thợ phụ được hai năm thì tôi phải nhập viện do hít khí amoniac quá nhiều, trong phổi tôi có đốm đen do tiếp xúc thuốc uốn tóc tự pha chế của ông chủ tiệm. Ra viện, tôi tìm xin việc tại barbershop trên đường Mạc Thị Bưởi. Ngày đầu tiên thử việc, tôi gội đầu cho khách ướt hết cả áo vì bối rối do bao nhiêu cặp mắt của nhân viên cũ đổ dồn hết về phía tôi. Tôi làm ở đó chỉ được năm tháng thì cô tôi bị bệnh tai biến mạch máu não phải nằm viện, sáng tôi đi làm, tối vào bệnh viện canh cô nên rất mệt mỏi. Chỗ làm thì không có chỗ nghỉ ngơi nên tôi ngủ gục, mà chỗ làm cấm nhân viên ngủ nên tôi bị bà chủ mời lên làm việc. Mặc dù tôi đã trình bày tối phải thức canh cô bệnh trong bệnh viện nhưng không được bà chủ quan tâm. Tôi lại xin nghỉ việc và xin việc làm cạnh bên tiệm cũ.

Một hôm, tôi đi ăn sáng để xe đạp cạnh bên nhưng khi ăn xong đứng lên không còn thấy xe đạp của mình đâu nữa. Chiếc xe đó đã bể vỏ, tôi chưa có tiền mua vỏ mới để thay nên lấy dây ni lông cột lại, vậy mà kẻ trộm cũng không tha. Không có xe đi làm, anh Hiếu mới bán chịu cho tôi một xe Tax tay ga. Tôi đi xe Tax được vài tháng, xe tay ga có khi đề được, lúc đề lại không được, khi đề không được thì phải cho xe lên xích lô chở về. Lúc đó anh Ngọc cho tôi mượn một cây vàng, cộng với số tiền tôi dành dụm được, tôi mua một chiếc xe Honda Cup 81 để đi làm. Có một anh Việt kiều tên là Cường muốn thuê xe mỗi ngày 5 đôla, tôi cho anh mướn xe của tôi và đi làm bằng xích lô. Một thời gian sau, anh Cường nói muốn thuê xe Dream, tôi lấy tiền dành dụm được và mượn thêm của bạn bè, mua một chiếc xe Dream cho anh Cường thuê một ngày 7 đôla, tôi lấy xe Honda Cup 81 về để đi làm.

DUYÊN NỢ VỚI NGHỀ MASSAGE

Thời gian đi làm tóc, tôi xin được đi trễ để đi học thêm bổ túc văn hóa và tiếng Anh. Thời gian đó bạn bè cũng ganh tỵ, xầm xì, cho rằng tôi vịn cớ để đi chơi nhưng tôi mặc kệ, miễn có sự đồng ý của chủ là được. Làm tóc được hai năm, kiếm được một ít vốn, tôi đăng ký học chăm sóc da mặt. Từ khi học chăm sóc da mặt, tôi biết cách ấn huyệt mặt và từ gội đầu tôi cũng biết ít nhiều huyệt nên từ đó tôi luôn muốn mình được học massage. Có lần tôi bị đau lưng, chị bạn làm chung ấn cho tôi dọc sống lưng nó kêu răng rắc, tôi cảm giác rất thoải mái, nhưng khi nói chị ấy dạy cho tôi thì chị ấy bảo: “Tao biết gì mà dạy cho mày”. Khi đi làm trong tiệm, tôi đã có làm massage nhưng chủ yếu bóp cơ và đấm, bởi vì không biết trong người có nhiều huyệt đạo đến vậy. Nhưng khi xoa bóp vào cơ, khách cũng cảm thấy thoải mái nên tôi được nhiều khách yêu cầu.

Đến năm 1995, khách sạn Sài Gòn Prink đăng tin tuyển nhân viên massage trên báo. Đọc thông tin tuyển dụng có giáo viên Hồng Kông đến dạy, tôi đăng ký dự tuyển dù đã 35 tuổi. Quản lý ở đó đồng ý tuyển tôi vào ngành massage chắc có lẽ do tôi biết giao tiếp tiếng Anh, chứ khi đăng báo tuyển họ ghi từ 18 đến 25 tuổi thôi, tôi chỉ nộp hồ sơ cầu may. Một bạn làm cùng tôi trước đó 25 tuổi nhưng lại không được tuyển vào vì không biết nói tiếng Anh. Trong thời gian làm việc tại khách sạn Sài Gòn Prink, tối tôi đi làm ra ca 5 giờ sáng, đi ăn sáng xong là tôi lại đến trường học ngoại ngữ, học xong về ăn trưa rồi tôi mới đi ngủ để tối đi làm. Tôi làm massage ở khách sạn Sài Gòn Prink và gặp được Yamada sàn – chồng tôi bây giờ.

Làm ở khách sạn Sài Sòn Prink gần một năm, dành dụm được 5 cây vàng, tôi sang lại một tiệm uốn tóc trên đường Cách Mạng Tháng Tám. Tôi sửa sang lại và làm thêm hai ghế massage. Buổi tối tôi đi làm ở khách sạn, còn buổi sáng tôi làm ở tiệm tóc của tôi, vì thời gian mới mở tiệm tóc không đủ chi phí. Sau một thời gian ngắn thì tôi nghỉ hẳn ở khách sạn, chỉ làm ở tiệm, tối về tôi đi làm massage cho khách nước ngoài làm việc ở Việt Nam. Làm việc có uy tín nên tôi được giới thiệu làm massage cho các Tổng lãnh sự quán Cuba, Indonesia. Có lần tôi đến massage cho tổng lãnh sự Cuba, bà bị bệnh không thở được, gia đình bà không có ai ở nhà, tôi nhờ anh Yamada ra cổng bảo vệ để nhờ bảo vệ gọi bác sĩ cho bà. Anh Yamada không biết tiếng Việt, tôi ghi giấy cho anh ấy. Làm massage xong, ngồi đợi hai tiếng sau bác sĩ mới tới, tôi không dám bỏ về vì sợ nếu bà ấy mà có chuyện gì thì tôi là người chịu trách nhiệm cao nhất. Khi bác sĩ đến khám cũng là lúc các con bà ấy đi chơi về lúc một giờ đêm, từ An Phú về đến nhà cũng đã hơn 2 giờ sáng.

Sau một thời gian ngắn làm tiệm uốn tóc nhỏ, anh Yamada hỏi tôi có muốn làm tiệm lớn hơn không. Tôi nói tôi không còn tiền nữa vì bao nhiêu tiền tôi dành dụm đã sang tiệm hết rồi. Anh hỏi tôi làm một tiệm lớn cần bao nhiêu tiền. Tôi nói khoảng 20.000 đôla, đối với tôi thời đó số tiền này là lớn rồi. Tôi chỉ nói vậy thôi chứ tôi cũng không biết tính 20.000 đôla mở tiệm đủ hay thiếu nữa. Anh Yamada về Nhật, khi trở lại anh cho tôi mượn 20.000 đôla với giấy mượn nợ một năm đầu không trả vốn, đến năm thứ hai thì trả mỗi tháng 500 đôla cho đến khi nào hết nợ thì thôi, không lấy lãi.

ĐẦU TƯ LỚN PHẢI CÓ THẦN KINH THÉP

Khi mở tiệm lớn xong, tôi mới thấy mình bị áp lực nhiều hơn. Chi phí nặng hơn, tiền thu vào thì ít mà chi ra thì nhiều. Lương của anh Yamada ở Việt Nam bù hết vào tiền thuê nhà, tiền lương nhân viên cũng không đủ. Tôi nợ nhiều hơn nên bàn với anh bán tiệm, nhưng anh nói trong kinh doanh 6 tháng đầu lỗ là chuyện thường, doanh thu có tăng thì nên cố gắng tiếp tục. Lúc đó chúng tôi chưa cưới nhau, tôi nói với anh bán tiệm cưới nhau xong về Nhật sống. Anh nói tôi đừng vội vàng, đi Nhật về rồi hãy quyết định cũng không muộn. Khi qua Nhật, tôi mới biết gia đình anh cũng làm nông nghiệp như gia đình tôi, tôi không biết làm nông mới lên Sài Gòn đi làm, bây giờ lấy chồng về chẳng lẽ làm nông nghiệp nữa. Tôi mới quyết định giữ tiệm lại không bán.

Khi chúng tôi cưới nhau, tôi chọn sau ngày cưới một ngày để khai trương lại. Có lẽ trong kinh doanh, một mình không làm nên sự nghiệp, khi cưới nhau xong chuyện kinh doanh của tôi mới bắt đầu phát triển. Tôi được Tổng giám đốc khách sạn Omni mời ký hợp đồng hợp tác, rồi khách sạn Caravelle, Pastel Inn, Diamond Plaza, Pacland, Saigon Riverside, Rinaissance Riverside. Khi được hợp đồng đầu tiên từ khách sạn Omni, tôi mừng như vừa trúng số. Vì tôi nghĩ muốn đầu tư Spa vào khách sạn năm sao phải có triệu đôla, nhưng tôi thì không cần phải đầu tư, tôi chỉ có nguồn nhân lực, khách sạn đã đầu tư hết. Thời đó, người ta luôn cho massage là một ngành nghề nhạy cảm nên những người bạn doanh nhân luôn e dè làm bạn với tôi. Khi tôi giới thiệu mình kinh doanh ngành massage, đôi khi sau lưng tôi, họ còn nhiều bình luận không tốt về ngành massage nhưng tôi vẫn chọn con đường tôi đi, dù chông gai, gian khó.

Bước vào lĩnh vực kinh doanh rồi muôn vàn khó khăn đến tôi luyện cho tôi trở thành một một doanh nhân như bây giờ, theo sau là chuyện kể của Đằng sau sự thành đạt của một doanh nhân như tôi. Xem bài phía sau ánh hào quang của doanh nhân Trương Thị Ngọc Ánh trên Google. Nhờ sự thúc đẩy của chồng tôi, năm 1999, tôi đi Quảng Châu du học về massage chân. Năm 2001, tôi và chồng tôi cùng đi học massage Thái tại Trường Watpho, Thái Lan. Năm 2005, tôi lại trở qua Thái Lan học massage nâng cao. Năm 2002, tôi đăng ký học massage Shiatsu tại khách sạn Hữu Nghị khi biết thầy Honma đến Việt Nam dạy. Từ sự chỉ dẫn của thầy, tôi qua Nhật hàng năm du học thêm Shiatsu massage cho đến nay. Hiện nay, tôi là thành viên Hiệp hội Shiatsu Nhật Bản. Mỗi năm, hiệp hội đều tổ chức cho các giáo viên Shiatsu cùng trở về hội thảo học hỏi kinh nghiệm từ các tiến sĩ, bác sĩ, giáo sư đầu ngành.

Tôi học Trường Body Theraby Massage Úc năm 2003 rồi mời giáo viên đến dạy cho nhóm giáo viên trong công ty. Những nơi tôi đi học qua, tôi đều chọn giáo viên giỏi mời về dạy cho giáo viên trong công ty tôi. Để mở trường đào tạo Spa được như hiện nay, tôi đã phải đầu tư cho việc học của tôi và của các bạn trong công ty với mức đầu tư khổng lồ. Tính theo bằng cấp thì mỗi bằng tôi phải đóng trung bình 500 đôla cho việc mời giáo viên nước ngoài đến đào tạo, rồi tiền ăn ở của giáo viên…

Kinh doanh ngành massage là một ngành nghề mà xã hội luôn gán cho là một ngành nghề nhạy cảm nên tôi gặp muôn vàn khó khăn từ các đoàn kiểm tra. Có đôi khi đến kiểm tra, họ dùng những từ rất nặng nề mà bản thân tôi phải hứng chịu nhưng không dám trả lời vì sợ bị trù dập. Gần 18 năm làm trong ngành này, nhìn lại chặng đường đã qua, tôi thấy mình quá liều, đôi khi tôi nghĩ thần kinh của mình chắc hẳn phải là thần kinh thép mới chịu được nhiều áp lực như vậy.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *